8 điều sinh viên xây dựng cần có khi ra trường

8 điều sinh viên xây dựng cần có khi ra trường
8 điểm sinh viên ngành xây dựng mới cần nắm vững để tìm được việc làm như mong muốn

Trong những năm gần đây, ngoại trừ những giai đoạn khủng hoảng kinh tế thì ngành công nghiệp xây dựng luôn chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP cả nước và không ngừng thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Vậy làm thế nào để các bạn sinh viên ngành xây dựng mới ra trường có lợi thế khi đi tìm việc? Để hỗ trợ cho sinh viên năm cuối của ngành nắm vững những kỹ năng cần thiết khi đi xin việc, cô Hoa đã tổng hợp lại 8 điểm các bạn cần lưu ý như sau:

1.Yêu cầu cơ bản và cần thiết: phải có Kiến thức chuyên ngành tốt – cơ hội xin việc thành công cao

✦ Phải biết đọc bản vẽ:

- Thật đáng buồn nếu như một người kỹ sư xây dựng mà lại không biết đọc bản vẽ. Nếu như bạn không biết đọc bản vẽ thì cũng coi như bạn học trong trường ra mà vẫn bị "mù chữ". Bởi vì, bản vẽ là ngôn ngữ giao tiếp chính của ngành xây dựng, là ngôn ngữ chung của người thiết kế, người thi công, và chủ đầu tư. Khi vào công việc, ta chỉ nói trên cơ sở các bản vẽ thiết kế.

- Đọc bản vẽ yêu cầu bạn những gì ? Yêu cầu bạn nắm bắt được những thông tin mà người thiết kế muốn truyền tải vào đó, hiểu được quy mô, tính chất công trình mình sắp thi công, hình dung được những công việc cần phải làm để hoàn thành công trình. Tương tự, bạn cũng phải bóc tách được khối lượng từ bản vẽ thì mới có cơ sở để thi công, bố trí vật tư, thiết bị và nhân lực thi công.

✦ Phải học tốt và ứng dụng tốt các môn chuyên ngành:

- Để nắm chắc cơ hội được tuyển dụng và tận dụng tốt cơ hội ấy trước và trong quá trình xin việc làm bạn hãy thực hành các kiến thức chuyên ngành trên những bản vẽ. Tưởng tượng, bạn vào công ty, được giao 1 cái nhà phố 3 tầng, 5x20m để bạn thiết kế, bạn sẽ làm gì, trả lời được rồi hãy nghĩ đến việc làm nghề.

- Tại sao bạn phải nắm vững và ứng dụng tốt các kiến thức chuyên ngành, bởi vì khi bạn đi làm tức là bạn phải sử dụng kiến thức đã có của mình để giải quyết công việc và giúp doanh nghiệp sinh lời. Đồng thời, việc nắm vững và ứng dụng tốt các kiến thức chuyên ngành sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm không được xảy ra trong công việc

- Ví dụ như là dầm: xem moment trong etab thấy moment + mà đặt thép lớp trên là thua, hay cắt thép lớp dưới mà cắt ngay nhịp cũng thua lun… Và phải biết cách lấy tim, cốt sao cho chuẩn, những điều này trong giáo trình kỹ thuật thi công đã nói chi tiết rồi, và học sao ra làm vậy.

- Việc có nền tảng chuyên ngành tốt sẽ giúp bạn nắm bắt nhanh những công nghệ kỹ thuật xây dựng mới, những công việc ngoài thực tế. Và nếu bạn lo lắng ngoài thực tế có khác, thì thực ra chỉ khác đôi chút như ở cách thiết kế, hay thể hiện bản vẽ,... mà thôi.

✦ Có kỹ năng tin học cơ bản, sử dụng tốt các phần mềm chuyên ngành:

- Sử dụng tốt các phần mềm, xử lý tốt các sự cố thường gặp của máy tính, sử dụng tốt tin học văn phòng. Sẽ có đôi lúc, bạn chẳng ở công ty mà để có thể nhờ bộ phận văn phòng hay bộ phận IT giúp đỡ. Nhất là những bạn thường xuyên đi công trình thì việc kiêm nhiệm đa năng như vậy càng nhiều, càng phải rành rẽ.

- Và đặc biệt bây giờ, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã quá phổ biến rồi, nên việc sử dụng các phần mềm để tiết kiệm sức lực, tăng hiệu quả và độ chính xác trong công việc là việc quá nên làm. Phần mềm chuyên ngành chính là công cụ làm việc của ngành xây dựng giống như làm bác sĩ phải biết dùng tai nghe, làm nông dân phải biết dùng cày cuốc vậy. Bạn học xây dựng, cầm tấm bằng kĩ sư xây dựng mà chưa vững một phần mềm cơ bản như CAD, hoặc không biết đặt thép lớp trên hay lớp dưới thì đừng nói đến chuyện "hành nghề" làm gì. Cái này thực là yêu cầu sống còn đối với người làm nghề xây dựng, hãy nắm vững công cụ này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đừng để đến khi đi làm phải loay hoay mãi với một bộ hồ sơ thiết kế cơ bản, hay không biết làm thế nào cho phải.

Ngoài ra biết bóc tách khối lượng bản vẽ, làm được Dự Toán, lập được hồ sơ thầu cũng là những kỹ năng căn bản nhất của mỗi người kỹ sư xây dựng.

2. Có thể tự thiết kế công trình độc lập và thành thạo là điểm mấu chốt để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và tăng thu nhập cho bạn

Vậy để có thể tự thiết kế công trình độc lập kỹ sư xây dựng phải biết làm gì?

Kết quả hình ảnh cho architect

- Bạn phải biết tính toán kết cấu cho công trình, khi tính toán xong các bạn phải biết triển khai ý tưởng triển khai bản vẽ ra (Móng, cột, dầm sàn...). Hơn nữa, bạn cũng có thể nghiên cứu để thiết kế kiến trúc cơ bản cho các công trình đơn giản, như công trình cấp IV chẳng hạn. Điều này giúp bạn có thể nhận thiết kế thêm các nhà dân, các công trình nhỏ theo mối quan hệ và làm cộng tác viên với một công ty tư vấn thiết kế nào đó.

- Để làm được điều này, tôi khuyên các bạn nên học tốt các môn về kết cấu như: PHÂN TÍCH, TÍNH TOÁN KẾT CẤU XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH, sử dụng phần mềm phân tích kết cấu ( ETAB, SAP2000, EXCEL...), và bổ sung kiến thức về kiến trúc,  bởi vì nó sẽ trang bị cho bạn những kỹ năng tốt nhất để bạn có thể tự chiến đấu một mình được.

- Nếu bạn có thể thiết kế các công trình nhà ở dân dụng, công nghiệp… và có thể thực hiện các khâu từ thiết kế kiến trúc, kết cấu, bóc tách khối lượng, lập dự toán một cách độc lập và chuyên nghiệp. Tôi tin chắc rằng thu nhập của bạn….không dưới 2 con số 1 tháng.

3. Kỹ năng mềm

Hình ảnh có liên quan

- Không chỉ trong ngành xây dựng mà trong tất cả các ngành nghề khác trong xã hội này đều cần có những kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, thông cảm, trình bày, chia sẻ... nói tóm lại là những kỹ năng mềm. Ví dụ: Cùng một vấn đề, nhưng cách nói khác nhau sẽ đưa đến những kết quả khác nhau. Cùng một vấn đề, cùng một cách giải quyết, nhưng đôi khi nhà tuyển dụng lại gật gù tán thưởng với anh A mà khăng khăng không chấp nhận anh B, ấy là vì khả năng trình bày của anh A mạnh hơn anh B. Cái này phải luyện nhiều, thuyết trình nhiều, trình bày nhiều, và phản biện nhiều.

- Và hiện nay môi trường học tập của bạn tại BVU được dạy rất tốt những kỹ năng này. Và để tồn tại và phát triển được, bạn phải cố rèn luyện chúng. Ngoài ra, ngành xây dựng cần có kỹ năng kết hợp làm việc nhóm rất cao. Vì chắc chắn bạn không thể nào làm được việc gì ở công trình xây dựng một mình ngoài việc giữ cổng.

- Khả năng lãnh đạo là điều cuối cùng bạn cần phải có nếu muốn phát triển nhanh. Nếu bạn chỉ giỏi chuyên môn, bạn sẽ là người đi làm. Nhưng nếu có thêm khả năng lãnh đạo bạn sẽ sớm thành người quản lý.

4. Phải biết tự nghiên cứu

- Cứ mỗi ngày không tìm hiểu, là một ngày mình bị tụt so với xu thế. Chưa nói gì xa xôi, riêng khoản cập nhật các thông tư, quy định mới của nhà nước về ngành cũng đã khiến bạn hoạt động não bộ gần như hàng ngày rồi. Các công nghệ xây dựng mới, các phần mềm ứng dụng mới, các xu hướng mới… Đơn vị tuyển dụng chắc chắn sẽ rất hài lòng với một ứng viên có kiến thức sâu rộng như bạn.

5. Phải biết cọ xát thực tế

- Với nghề này, tấm bằng đẹp khi ra trường sẽ không hẳn là tấm vé hoàn hảo cho bộ hồ sơ, nếu như bạn không có một ít kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, mới có chuyện đòi hỏi bạn không những có tấm bằng mà còn phải có cả những chứng chỉ HÀNH NGHỀ, phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc. Không chỉ là thực tế khi tính toán, triển khai bản vẽ, lên dự toán, lập hồ sơ thầu mà còn phải biết những công việc tưởng chừng rất đơn giản khác để có thể quản lý và giám sát công trình. Vì vậy, bạn phải tận dụng tốt khoảng thời gian của các học phần thực tập để thực hành nghề. Khi thực tập bạn phải lăn xả trên công trường cầm bay, trét vữa, trộn hồ. Tôi luôn đánh giá cao và khâm phục những tinh thần sẵn sàng học hỏi như vậy.

6. Phải biết tìm cơ hội trong thử thách

- Trong hoàn cảnh khủng khoảng kinh tế, việc ít, sinh viên xây dựng ra trường thì đông lại đâm ra lo sợ, mà không nghĩ lạc quan rằng đây là thời điểm để mình làm những việc mình chưa làm được trước đó vì bận bịu: học thêm ngoại ngữ, "sưu tầm" thêm những chứng chỉ hành nghề còn thiếu, học thêm nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu về một ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới… Con gấu mùa đông không tiện đi kiếm mồi, nó còn biết tận dụng ngủ một giấc thật dài cho lại sức, sao mình ko nhân cơ hội này mà trau dồi bản thân để đến khi cơn bĩ cực qua rồi, mình lại thêm vững vàng chắc chắn?

- Hoặc khi đã xin được việc rồi, có thể ban đầu công ty chỉ giao cho bạn công việc nhỏ nhất, nhưng đây là cơ hội để bạn chứng minh năng lực của mình. Nếu việc nhỏ bạn làm xuất sắc thì chắc chắn việc lớn bạn cũng sẽ làm xuất sắc.

- Điều quan trọng hiện nay là chọn công việc phù hợp, mức lương chưa phải là vấn đề cần bàn tới. Khi công việc được hoàn thành tốt thì các bạn có quyền yêu cầu tăng lương.

7. Tiếng Anh chuyên ngành xây dựng là vấn đề thiết yếu

- Nếu bạn có nền tảng có căn bản về ngoại ngữ tốt rồi thì khuyên các bạn hãy phát triển nó lên, khi làm việc trong ngành xây dựng mà bạn có vốn ngoại ngữ thì lương của bạn được tính bằng USD đấy. Và hiện nay những công ty liên doanh, những công ty lớn về xây dựng trả mức lương rất đỉnh cho những kỹ sư xâ dựng có năng lực. Tuy nhiên, để đặt chân vào những đơn vị này, điều đầu tiên bạn cần biết đó là ngoại ngữ.

- Hơn nữa, những công nghệ thi công tiên tiến, mới nhất hiện nay đều từ nước ngoài về, các giám sát của những công trình, dự án lớn đều là người nước ngoài. Do đó, vấn đề ngoại ngữ rất quan trọng và cần thiết để giao tiếp và nâng cao chuyên môn, hãy cố gắng vì thu nhập của mình và sự phát triển của bản thân.

8. Phải thực sự có đam mê với nghề xây dựng

- Trong cái thế giới khô khan của ngành xây dựng, nếu bạn không đủ lửa để giữ đam mê với nghề, nhiều khả năng bạn sẽ bị out, hoặc là tự out bởi áp lực, vất vả, bị nhiều yếu tố chi phối. Nên nếu như bạn cứ mãi sống xoàng xoàng, cứ mãi dật dờ, thì không sớm thì muộn anh sẽ cảm thấy như mình đã chọn nhầm nghề!

- Tuy nhiên nghề xây dựng là 1 nghề rất dễ làm giàu bằng 2 bàn tay và khối óc. Nhưng không thể nóng vội ngày một ngày hai. Hãy sống và làm việc hết mình với nghề, tôi cam chắc 1 ngày không xa, nghề xây dựng sẽ đem lại cho các bạn tất cả. Miễn là: bạn phải biết sống hết mình vì nó. Làm việc với nghề trước hết hãy từ cái tâm, niềm đam mê và khát vọng chuyên nghiệp hóa. Mỗi chúng ta phải tạo sự khác biệt chuyên nghiệp trong nghề và kiên định theo đuổi nó. SỰ KHÁC BIỆT mới làm nên sự thành công. Sau đó cái gì đến sẽ đến. Không tin bạn hãy thử xem...

Kết luận

Cuối cùng xin nói rằng, bạn đừng bao giờ lấy cái bằng ra để hơn thua mà nên lấy kiến thức thực sự để làm nền tảng cho bản thân. Cố gắng học và làm tất cả những gì có thể làm một cách thành thạo nhất từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Vì bạn sẽ chẳng thể kiểm tra hay hướng dẫn ai được khi chính bản thân bạn không biết làm việc đó như thế nào. Đó là một số điều cô muốn chia sẻ với các bạn. Chúc các bạn luôn thành công và vững tin với con đường bạn đã chọn.

Để biết thêm chi tiết về các khóa học tiếng Anh giao tiếp, các em đăng kí HỌC THỬ PHƯƠNG PHÁP PHẢN XẠ TRUYỀN CẢM HỨNG nhé heart

http://mshoagiaotiep.com/hoat-dong-ngoai-khoa/dang-ky-test-hoc-thu-phuong-phap-phan-xa-truyen-cam-hung-nd497976.html

Hệ thống cơ sở Ms Hoa Giao Tiếp:

  • Cơ sở 1: 461 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy. HN; SĐT: 02466 512 935  
  • Cơ sở 2: 141 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, HN; SĐT: 02466 862 811 
  • Cơ sở 3: 89 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, HN; SĐT: 02466 811 242
  • Cơ sở 4: 350 đường 3/2, quận 10, TP HCM; SĐT: 02866 5757 63
  • Cơ sở 5: 233 Nguyễn Văn Linh, Q Thanh Khê, Đà Nẵng; SĐT: 02363572008
  • Cơ sở 6: L30.3 Khu dân cư Cityland Park Hills, Số 18 Phan Văn Trị, P.10, Q.Gò Vấp , TP HCM; SĐT: 0981 674
  • Cơ sở 7: 427 Cộng Hòa, Q. Tân Bình, TP HCM; SĐT: 02862 867 159
  • Cơ sở 8: 224 khánh hội, quận 4, TP HCM; SĐT: 02866731133

Nguồn tham khảo: ThS. Phạm Thị Ngọc Minh (Ngành CNKTCT Xây dựng, Viện Kỹ thuật - Kinh tế biển)